Chiến lược các bên tham chiến Trận_Hà_Lan

Chiến lược phòng thủ của Hà Lan

Phòng tuyến Grebbe với vùng ngập nước màu xanh đen

Vào thế kỷ thứ 17, nước Cộng hoà Hà Lan đã nghĩ ra một hệ thống phòng thủ hiệu quả gọi là Tuyến Đường thuỷ Holland, có thể bảo vệ tất cả các thành phố chính ở phía tây bằng vùng đất ngập nước trong khu vực. Đầu thế kỷ 19 phòng tuyến này đã được dịch chuyển một chút về phía đông, qua thành phố Utrecht và sau đó được hiện đại hoá với các pháo đài. Vị trí mới này được gọi là Tuyến Đường thuỷ Holland Mới. Do các công sự đã trở nên lỗi thời vào năm 1940, nó đã được tăng cường thêm các lô cốt bê tông ngầm. Phòng tuyến nằm trên rìa xa nhất về phía đông của khu vực nằm dưới mực nước biển. Điều đó khiến cho các khu đất phía trước các công sự dễ dàng bị ngập sâu khoảng một mét nước, quá nông đối với tàu thuyền, nhưng vẫn đủ sâu để biến vùng đất thành một bãi lầy không thể vượt qua được. Khu vực phía tây của Tuyến Đường thuỷ Holland Mới được gọi là Pháo đài Holland, sườn phía đông của nó có hồ IJssel bao bọc còn sườn phía nam được bảo vệ bởi vùng hạ lưu của ba con sông lớn chảy song song: hai nhánh của sông Rhine, và sông Meuse (còn gọi là sông Maas). Vùng này như một chiến khu quốc gia, tại đây người ta hy vọng sẽ có thể cầm cự được một thời gian dài,[69] theo suy đoán lạc quan nhất là trong 3 tháng mà không cần sự giúp đỡ của Đồng minh,[70] cho dù lực lượng mà Đức huy động để tiến đánh Hà Lan được đánh giá rất cao.[71] Trước chiến tranh đã có dự định cho quân đội rút lui về vùng này gần như ngay lập tức, sau giai đoạn tập trung (cũng được gọi là Kế hoạch xanh - Case Blue) tại Thung lũng Gelderse,[72] kế hoạch này dựa trên hy vọng về việc Đức sẽ chỉ xâm phạm các tỉnh phía nam trên đường tiến vào Bỉ và không động tới vùng Holland. Nhưng năm 1939 nó được hiểu như một động thái mời đối phương đến xâm chiếm và sẽ khiến cho việc thương lượng với Đồng minh về một hệ thống phòng thủ chung trở nên bất khả thi. Đề xuất của giới ngoại giao Đức về việc chính phủ Hà Lan sẽ bí mật đồng thuận với một cuộc tiến quân như thế đã bị bác bỏ.[73]

Từ tháng 9 năm 1939 đã có thêm một Phòng Tuyến Chính (Main Defence Line) được xây dựng về phía đông. Vị trí phòng thủ quan trọng thứ hai này có một phần phía bắc được tạo nên từ tuyến Grebbelinie (tuyến Grebbe), dưới chân đỉnh đồi Utrecht, một khối băng tích từ thời kỷ băng hà nằm giữa hồ IJssel và hạ lưu sông Rhine. Đây là do sự vận động của tư lệnh tập đoàn quân, trung tướng Jan Joseph Godfried van Voorst tot Voorst.[74] Phòng tuyến này đã được kéo dài nối đến phần phía nam: Peel-Raamstelling (vị trí Peel-Raam), nằm giữa sông Maas và biên giới Bỉ dọc theo đầm lầy Peel và rạch Raam, theo lệnh của Tổng tư lệnh quân đội Hà Lan, đại tướng Izaak H. Reijnders, vì ông ta muốn ngăn chặn người Đức ở phía nam càng lâu càng tốt để yểm trợ cho cuộc tiến quân của Pháp. Quân đoàn số 4 và số 2 được bố trí tại tuyến Grebbe; quân đoàn số 3 tại cứ điểm Peel-Raam có sư đoàn Khinh binh ở phía sau bao bọc sườn phía nam; lữ đoàn A và B phối hợp tại giữa hạ lưu sông Rhine và sông Maas còn quân đoàn số 1 là lực lượng dự trữ chiến lược tại khu Pháo đài Holland, được 10 tiểu đoàn khác tăng cường ở ngoại vi phía nam và 6 tiểu đoàn ở phía đông.[75] Tất cả các tuyến phòng ngự này đều đã được tăng cường bởi các công sự bê tông ngầm.[69]

Vị trí Peel-Raam

Phía trước Phòng Tuyến Chính được bao bọc bởi tuyến IJssel-Maas (IJssel-Maaslinie) dọc theo sông IJsselsông Maas, được kết nối lại qua các vị trí tại Betuwe, cũng với các công sự bê tông và do 14 "tiểu đoàn biên phòng" đóng giữ. Cuối năm 1939, tướng Van Voorst tot Voorst đã gợi lại kế hoạch mà ông ta đã từng trình bày năm 1937,[76] và một lần nữa đề xuất việc tận dụng điều kiện phòng thủ lý tưởng do các con sông này tạo ra để điều chỉnh một chiến lược linh động hơn với đòn tấn công phủ đầu trước của một quân đoàn tại điểm giao lộ gần ArnhemGennep để buộc các sư đoàn Đức phải tổn hao nhiều sức mạnh tấn công của mình trước khi tới được Phòng Tuyến Chính và thậm chí có thể đánh bại chúng.[74] Kế hoạch này bị chính phủ Hà Lan và tướng Reijnders cho là quá liều lĩnh. Reijnders thì muốn rằng sau cuộc kháng cự mạnh đầu tiên tại tuyến Grebbe và vị trí Peel Raam, quân đội sẽ rút lui về Pháo đài Holland.[77] Điều này cũng bị chính phủ coi là quá nguy hiểm, đặc biệt là trong điều kiện Đức chiếm ưu thế về không quân, và do những bất lợi trong việc chuẩn bị đầy đủ cho cả hai phòng tuyến. Những mâu thuẫn về chiến lược đã dần dần làm suy sụp sự nghiệp chính trị của Reijnders:[78] ông ta đã bị tước bỏ mọi quyền hạn quân sự đối với hệ thống phòng ngự.[79] Ngày 5 tháng 2 năm 1940 ông bị buộc phải từ chức[80] và được thay thế bằng Đại tướng Henry G. Winkelman. Viên tư lệnh mới sau đó đã quyết định rằng tại phía bắc, tuyến Grebbe sẽ là phòng tuyến chủ yếu, tại đó trận đánh quyết định sẽ được diễn ra,[81] phần nào bởi ở đây sẽ dễ dàng tạo ra đột phá với một đòn phản tấn công nếu có điều kiện thuận lợi.[82] Tuy nhiên, ông ta lại không đưa ra được quyết định nào tương tự đối với vị trí Peel-Raam.

Trong suốt thời gian chiến tranh kỳ quặc, Hà Lan đã cố gắng bám chặt lấy chính sách trung lập triệt để. Tuy nhiên Bộ tư lệnh quân đội Hà Lan, một phần tự hành động theo ý mình,[83] đã đàm phán bí mật với Bỉ và Pháp về việc phối hợp trong một hệ thống phòng thủ chung trong trường hợp có cuộc xâm lăng của Đức, thông qua tuỳ viên quân sự Hà Lan tại Paris, trung tá David van Voorst Evekink.[84] Cuộc đàm phán đã thất bại do những sai khác không thể vượt qua về quan điểm chiến lược.

Bỉ, dù về cơ bản là một nước trung lập, nhưng do tầm quan trọng chiến lược rõ rệt của nó, đã lặng lẽ tiến hành những cuộc dàn xếp chi tiết về việc phối hợp hành động với quân Đồng minh. Điều này khiến Hà Lan khó khăn hơn trong việc thích ứng được với những mong muốn của họ. Họ muốn người Bỉ liên kết với tuyến phòng thủ của mình tại vị trí Peel-Raam, là nơi mà Reijnders đã không chịu rút đi mà không chiến đấu.[85] Ông ta đã không tán thành kế hoạch của Van Voorst tot Voorst là chiếm cứ cái gọi là "vị trí Orange" trên tuyến 's-HertogenboschTilburg ngắn hơn nhiều,[86] nhằm tạo ra một mặt trận liên hoàn với phòng tuyến Bỉ gần Turnhout như đề xuất của Đại tướng Bỉ Raoul van Overstraeten.[87]

Khi Winkelman tiếp quản bộ tư lệnh, ông ta đã thúc đẩy cuộc đàm phán, và ngày 21 tháng 2 đã đề xuất rằng người Bỉ sẽ trấn giữ một phòng tuyến liên kết với vị trí Peel Raam dọc theo lãnh thổ Bỉ bên kênh đào Zuid-Willemsvaart.[88] Tuy nhiên người Bỉ đã từ chối đề nghị này nếu đổi lại Hà Lan không tăng cường lực lượng tại Limburg, nhưng Hà Lan không có lực lượng nào khác để đáp ứng yêu cầu này. Đề nghị của Bỉ về vị trí Orange lại được đưa ra nhưng cũng bị Winkelman khước từ. Thế là người Bỉ quyết định là khi có cuộc xâm lăng sẽ rút toàn bộ quân đội về tuyến phòng thủ chính yếu của họ, kênh đào Albert. Điều này sẽ tạo nên một khoảng hở rất nguy hiểm rộng đến 40 kilomet,[89] và quân Pháp đã được đề nghị đến bít kín khe hở này.[90] Lúc này Đại tướng Tổng tư lệnh quân đội Pháp Maurice Gamelin rất có hứng thú với việc ghép thêm Hà Lan vào mặt trận liên hoàn của mình, vì giống như Bernard Montgomery 4 năm sau đó, ông ta hy vọng vào khả năng có thể đi vòng qua Westwall khi Đồng minh tiến hành cuộc tấn công dự kiến trong năm 1941. Nhưng ông ta không dám đối mặt với việc tuyến đường tiếp tế bị kéo quá dài nếu như Bỉ và Hà Lan không gia nhập phe Đồng minh trước khi Đức tấn công. Khi cả hai nước này đều từ chối, Gamelin xác định rằng ông ta sẽ cho chiếm cứ một vị trí đầu mối ở gần Breda.[19] Thế nhưng người Hà Lan đã không cho củng cố khu vực này. Winkelman còn bí mật quyết định ngày 30 tháng 3[91] là bỏ vị trí Peel-Raam ngay khi bắt đầu cuộc tấn công của Đức và rút quân đoàn số 3 về Linge để bảo vệ sườn phía nam tuyến Grebbe, chỉ để lại một lực lượng bao bọc phía sau.[92] Vị trí Waal-Linge này cũng đã được tăng cường bằng các công sự bê tông; và khoản ngân sách chi cho các công trình này đã được tăng thêm một trăm triệu guilder.[93]

Sau khi Đức xâm chiếm Đan Mạch và Na Uy tháng 4 năm 1940, với việc Đức cho sử dụng một số lượng lớn quân không vận, bộ tư lệnh Hà Lan đã lo lắng về khả năng họ cũng có thể trở thành nạn nhân của một cuộc tấn công chiến lược tương tự. Nhằm đẩy lùi nguy cơ đó, 5 tiểu đoàn bộ binh đã được bố trí tại các cảng biển và căn cứ không quân chính, như sân bay Ypenburg tại Den Haag và sân bay Waalhaven thuộc Rotterdam.[94] Chúng đã được tăng cường thêm pháo phòng không, 2 xe tankette và 12 trong số 24 xe thiết giáp đang hoạt động.[68] Những biện pháp trực tiếp đặc biệt này được tiến hành cùng nhiều phương sách chung khác: Hà Lan đã gửi không dưới 32 tàu bệnh viện đi khắp đất nước và 15 đoàn tàu để giúp cho việc hành quân được dễ dàng hơn.

Chiến lược của Pháp

Ngoài quân đội Hà Lan và tập đoàn quân số 18 trên cánh bắc của Đức ra, có một lực lượng thứ 3, không ít hơn cả hai đội quân trên,[95] cũng sẽ hoạt động trên đất Hà Lan: đó là tập đoàn quân số 7 của Pháp. Đạo quân này có mục đích riêng của mình, nằm trong chiến lược tổng thể của Pháp. Từ lâu Pháp đã lo lắng về các hoạt động quân sự có thể diễn ra trên lãnh thổ Hà Lan.[95] Vùng bờ biển ZeelandHolland, mặc dù khó vượt qua do có nhiều tuyến sông rạch, nhưng cũng đem lại khả năng về một cuộc tấn công bạt sườn bất ngờ đối với cả quân Pháp và quân Đức khi đang đe dọa vượt qua tuyến Antwerp-Namur từ hướng bắc. Các lực lượng cơ động, dù là nhằm mục đích tấn công hay phòng ngự, đều cần thiết phải ngăn chặn đối phương tiến đến những vị trí trọng yếu, nhất là các đảo Zeeland, vốn nằm ngay hướng đối diện cửa sông Thames, gây nên một mối đe dọa đặc biệt với sự an toàn của Anh quốc. Sớm hơn nhiều so với Đức, Pháp đã dự định sử dụng các đạo quân không vận để đạt tốc độ tấn công nhanh (thậm chí ngay từ năm 1936 Pháp đã vạch ra đề án không vận xe tăng hạng nhẹ, nhưng các kế hoạch này đã bị từ bỏ vào năm 1940 do họ không có máy bay vận chuyển hàng hóa đủ lớn để chuyên chở chúng). Một sư đoàn hải quân và một sư đoàn bộ binh đã được phân công đến Zeeland để chặn lối cửa sông Tây Scheldt đề phòng cuộc tiến quân của Đức. Tiếp đó sẽ phái các lực lượng tiên phong này qua cửa sông Scheldt để lên các đảo Zeeland, với sự hỗ trợ của các tàu nước ngoài. Tất nhiên tốt hơn hết là đối phương không tiến được đến sông Scheldt và như vậy hợp lý nhất là cho chặn các tuyến đường phía tây con sông, phía trước thành phố Antwerp. Và sau đó yếu tố này sẽ tự nhiên phát triển sang bước tiếp theo: điều động một đội quân hoàn chỉnh nhằm giữ vững liên lạc với khu Pháo đài Holland ở phía bắc. Kết quả của hoạt động này có thể đem lại một căn cứ thiết yếu đối với thắng lợi của cuộc tổng tấn công năm 1941, mà nếu không có nó, như Gamelin lo ngại, thì sẽ thúc đẩy Hà Lan nhanh chóng đầu hàng hay thậm chí là thừa nhận sự bảo hộ của Đức. Lực lượng dự bị chiến lược trước đây của Pháp, tập đoàn quân số 7, đã được tái phân công vào nhiệm vụ này, bao gồm 2 quân đoàn: Quân đoàn số 16 - gồm có sư đoàn bộ binh cơ giới số 9 (thực tế là một đơn vị mô tô, nhưng có nhiều xe thiết giáp bánh xích) và sư đoàn bộ binh số 4 - và Quân đoàn số 1 - bao gồm sư đoàn bộ binh cơ giới số 25 và sư đoàn bộ binh số 21. Đội quân này sau đó được quyết định được tăng viện thêm sư đoàn cơ giới hạng nhẹ số 1 - một sư đoàn thiết giáp trực thuộc kỵ binh Pháp và là một đơn vị tinh nhuệ rất mạnh. Cùng với 2 sư đoàn tại Zeeland, như vậy là có tổng cộng 7 sư đoàn Pháp được dành cho hoạt động này.[95]

Mặc dù quân Pháp có tỉ lệ các đơn vị cơ giới cao hơn so với đối phương, nhưng xét theo khoảng cách phải di chuyển tương ứng thì họ không có hy vọng tiến được đến khu vực dự kiến để triển khai thế trận trước quân Đức. Hy vọng duy nhất của họ để đánh bại Đức trong lĩnh vực này nằm ở việc sử dụng các tuyến vận tải đường sắt.[96] Điều này có nghĩa là họ sẽ dễ bị tổn thương trong giai đoạn tập trung, xây dựng lực lượng tại gần Breda. Họ cần quân Hà Lan tại cứ điểm Peel-Raam ngăn cản quân Đức thêm ít ngày để có thể dàn trận và bố trí phòng thủ, nhưng các lực lượng cơ động của Pháp cũng chuẩn bị sẵn một hàng rào an ninh. Đó là các đơn vị do thám trong các sư đoàn thiết giáp và mô tô, được trang bị các xe thiết giáp Panhard 178 vũ trang tương đối tốt. Chúng được tập trung thành 2 lực lượng đặc nhiệm đặt tên theo 2 viên chỉ huy: Nhóm Beauchesne và Nhóm Lestoquoi.

Chiến lược của Đức

Trong rất nhiều lần sửa đổi phương án tác chiến cho Kế hoạch Vàng, đôi lúc người Đức đã xem xét đến việc bỏ qua khu Pháo đài Holland, đúng như phía Hà Lan đã mong đợi.[97] Trong phiên bản kế hoạch ngày 29 tháng 10, còn đề xuất việc giới hạn cuộc xâm chiếm dọc theo một giới tuyến ở phía nam Venlo,[96] trong khi phiên bản đầu tiên ngày 19 tháng 10 vẫn còn đề cập đến khả năng về một sự chiếm đóng hoàn toàn lãnh thổ Hà Lan nếu có điều kiện thuận lợi.[98] Ngày 15 tháng 11 năm 1939, phiên bản mới mang tên bản hướng dẫn Holland (Holland-Weisung) đã quyết định tiến hành chiếm đóng toàn bộ vùng phía nam Hà Lan, còn ở phía bắc sẽ chỉ tiến quân không quá phòng tuyến Grebbe và đánh chiếm quần đảo Wadden.[99] Tuy nhiên, Hermann Goering nhất quyết yêu cầu một cuộc xâm chiếm hoàn toàn do ông ta cần đến những sân bay tại Hà Lan trong cuộc chiến chống lại nước Anh; ngoài ra ông ta còn lo ngại phe Đồng minh sau những thất bại cục bộ ban đầu có thể sẽ tăng cường cho khu Pháo đài Holland và sử dụng các sân bay tại đó để ném bom các thành phố và quân đội của Đức.[99] Một nguyên nhân thứ ba nữa là do sự sụp đổ của nước Pháp chưa có gì là chắc chắn, nên việc đầu hàng của Hà Lan mang một lý do chính trị cần thiết, đó sẽ là một thất bại trong chính sách của Đồng minh và có thể giúp cho các phe đối lập trong chính phủ Anh và Pháp giành ưu thế. Ngoài ra, sự đầu hàng nhanh chóng đó còn giúp Đức sớm rảnh tay để điều động quân đội đến các mặt trận khác.[100]

Ngày 17 tháng 1 năm 1940[101] quyết định cuối cùng được thông qua là sẽ cho xâm chiếm toàn bộ lãnh thổ Hà Lan, nhưng lúc đó có rất ít đơn vị Đức sẵn sàng cho nhiệm vụ này. Trọng tâm của Kế hoạch Vàng là nằm ở khu trung tâm, giữa NamurSedan. Cuộc tấn công tại miền trung nước Bỉ chỉ là một ngón đòn mồi nhử; và cuộc tấn công tại Pháo đài Holland chỉ là một bộ phận của đòn mồi nhử này. Mặc dù Cụm tập đoàn quân B đã được triển khai tại biên giới Hà Lan, nhưng lực lượng quan trọng nhất, mạnh nhất của nó là tập đoàn quân số 6 lại sẽ hành quân qua phía nam Venlo tiến vào Bỉ, chỉ còn lại tập đoàn quân số 18 dưới quyền tướng Georg von Küchler chiến đấu với quân chủ lực Hà Lan.[102] Trong toàn bộ đội quân Đức tham gia chiến dịch, đây là lực lượng yếu kém nhất. Nó chỉ bao gồm 4 sư đoàn bộ binh chính quy (sư đoàn bộ binh số 207, 227, 254 và 256), được hỗ trợ bởi 3 sư đoàn dự bị (sư đoàn bộ binh số 208, 225 và 526) mà sẽ không tham gia vào cuộc tấn công. 6 trong số các sư đoàn này là các đơn vị "đợt ba", mới chỉ được xây dựng tháng 8 năm 1939 từ các đơn vị Landwehr (dân vệ) địa phương. Họ rất thiếu sĩ quan chỉ huy có chuyên nghiệp và có ít kinh nghiệm chiến đấu, ngoài ra 42% quân số đã ngoài 40 tuổi là cựu binh trong chiến tranh thế giới thứ nhất (tương tự như quân đội Hà Lan, 88% binh lính không được huấn luyện bài bản). Cuối cùng là sư đoàn bộ binh số 526, một đơn vị chuyên làm công tác an ninh chưa từng được đào tạo chiến đấu nghiêm chỉnh. Khi tính toán thực lực của các sư đoàn này, với lực lượng trên giấy tờ là 17.807 người, bằng một nửa bên phía Hà Lan và có gấp đôi hoả lực, ưu thế cần thiết về số lượng cho một cuộc tấn công thắng lợi là không có.

Để khắc phục vấn đề này, một vài lực lượng nhỏ lẻ và hạn chế đã được dùng để tăng cường cho tập đoàn quân số 18. Đầu tiên chỉ có duy nhất sư đoàn kỵ binh (Kavalleriedivision) số 1. Quân kỵ binh của đơn vị này, có kèm theo một số bộ binh, sẽ chiếm đóng các tỉnh có hệ thống phòng ngự yếu kém ở phía đông sông IJssel, rồi sau đó cố gắng băng qua tuyến đường Afsluitdijk và đồng thời thử đổ bộ lên Holland tại vị trí gần Enkhuizen, bằng các xà lan chiếm được ở cảng nhỏ Stavoren.[100] Do cả hai mục tiêu này đều không chắc chắn sẽ thành công, nên một số lớn các sư đoàn chính quy, với sự tăng cường của lực lượng SS-Verfügungstruppe (bao gồm 3 đơn vị SS-Standarten: Der Führer, Germania và Deutschland) cùng trung đoàn Leibstandarte Adolf Hitler, sẽ tiến hành một cuộc tấn công bộ binh nhằm chọc thủng các vị trí kiên cố của Hà Lan.[103] Nhưng ngay cả sự bổ sung này cũng chỉ tăng cường thêm 1 và 1/3 sư đoàn trong tương quan lực lượng. Để bảo đảm thắng lợi, người Đức đã áp dụng thêm nhiều biện pháp khác.

Lúc này Đức đã huấn luyện được 2 sư đoàn không vận tấn công: sư đoàn không quân (Fliegerdivision) số 7 và sư đoàn bộ binh không vận (Luftlande-Infanteriedivision) số 22. Trước đó, khi mà mục tiêu chính của Đức vẫn còn là vùng Flanders, đã có dự định huy động các sư đoàn này vào việc vượt sông Scheldt ở đoạn gần Ghent. Kế hoạch đó nay đã bị huỷ bỏ và người Đức liền quyết định dùng 2 sư đoàn này để giành lấy một chiến thắng nhanh chóng tại Hà Lan.[104] Ngay trong ngày đầu tiên đội quân không vận này sẽ đánh chiếm các sân bay quanh Den Haag, nơi đặt trụ sở nghị viện Hà Lan, rồi sau đó bắt sống chính phủ cùng với Bộ Tư lệnh Tối cao và Nữ hoàng Hà Lan Wilhelmina.[105] Các sĩ quan Đức đã được huấn luyện cách xác định vị trí của các gia đình hoàng gia trong những trường hợp như vậy. Theo kế hoạch "Pháo đài" (Fall Festung) do đích thân Hitler phát triển, đầu tiên Đức sẽ cho công sứ đề nghị về một sự "bảo vệ bằng vũ trang đối với sự trung lập của Hà Lan", nói cách khác là để Hà Lan trở thành một xứ bảo hộ của Đức.[106] Trong trường hợp không đạt tới sự quy phục ngay lập tức như mong đợi, những cây cầu tại Rotterdam, DordrechtMoerdijk sẽ đồng loạt bị chiếm, cho phép một lực lượng cơ giới có thể từ phía nam đánh lên, hỗ trợ cho đội quân không vận. Lực lượng này là Sư đoàn Thiết giáp số 9 với 141 xe tăng chiến đấu[107], đây là sư đoàn thiết giáp duy nhất của Đức chỉ có đúng 2 tiểu đoàn xe tăng - trong đó 1 tiểu đoàn không đầy đủ - trong lữ đoàn tăng duy nhất của nó.[108] Sư đoàn này sẽ phải khoét sâu lỗ hổng trên Phòng Tuyến Chính của quân Hà Lan do sư đoàn bộ binh số 254 và 256 tạo ra (3 sư đoàn này hợp thành quân đoàn (Armeekorps) số 26) trên tuyến Gennep – 's-Hertogenbosch.[100] Cùng lúc đó một cuộc tấn công khác đánh vào tuyến Grebbe ở phía đông do sư đoàn bộ binh số 207 và 227 (kết hợp thành quân đoàn số 10)[103] đảm nhiệm, sẽ trói chân phần lớn Tập đoàn Quân của Hà Lan, dù số lượng ít hơn,[109] buộc tập đoàn này phải lui về phía đông hoặc rút hẳn qua Pháo đài Holland. Tập đoàn quân số 18 sẽ đợi sẵn, nếu quân Hà Lan không đầu hàng ngay ngày đầu tiên, thì sẽ tràn vào Pháo đài Holland trong ngày thứ ba từ hướng nam và giành chiến thắng quyết định. Không hề có một thời gian biểu cụ thể nào cho việc tiêu diệt quân đội Hà Lan.[104] Có một điều đặc biệt trong cơ cấu bộ chỉ huy là cuộc tấn công không vận sẽ chỉ do lực lượng Luftwaffe tiến hành; lực lượng không vận ban đầu sẽ không thuộc quyền chỉ huy của lục quân Đức — nhưng cuộc tấn công vào Rotterdam sau cùng vẫn là một hoạt động của lục quân và được xem như trọng điểm trong chiến dịch Hà Lan.[105] Bộ chỉ huy tập đoàn quân số 18 coi cuộc đổ bộ bằng không quân chủ yếu là một hành động yểm trợ cho cuộc tiến quân của quân đoàn số 26.

Trong toàn bộ chiến dịch tháng 5 năm 1940, kế hoạch tấn công Hà Lan là biểu hiện rõ rệt nhất của khái niệm Blitzkrieg, một thuật ngữ mà sau này được hiểu là: một cuộc tấn công chiến lược (Strategischer Überfall). Ngoài ra, cũng như toàn bộ Kế hoạch Vàng, chiến lược mà Đức áp dụng tại Hà Lan là một chiến lược có mức độ mạo hiểm rất cao.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Hà_Lan http://www.realmilitaryflix.com/public/760.cfm http://www.youtube.com/watch?v=3ua7PWXkQOg&feature... http://www.youtube.com/watch?v=SSycLky3zGs&feature... http://www.youtube.com/watch?v=Zqb58cSE7Z0 http://www.youtube.com/watch?v=iJQL8qXAXoA&feature... http://www.milavia.net/airforces/netherlands/rnlaf... http://www.cbs.nl/NR/rdonlyres/1FA7DF00-F612-4F46-... http://www.grebbeberg.nl/bibliotheek/data/art00071... http://www.nos.nl/nos/artikelen/2008/12/art000001C... http://www.waroverholland.nl/